Khi rời Tân Sở (Quảng Trị) ra Quảng Bình tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vua Hàm Nghi có đem theo một con voi. Con voi đó đã giúp Hàm Nghi vượt núi cao, suối sâu trong suốt mấy năm trời.
Đoạn đường qua núi Khe Ve, nơi gắn với truyền thuyết |
Tháng giêng năm Mậu Tý (1888) Hiệp quản Trương Quang Ngọc phản bội dẫn quân Pháp bắt vua Hàm Nghi, con voi của vua trốn chạy vào rừng sâu. Sau đó mấy hôm, người ta thấy con voi trở lại nơi lán tranh của vua Hàm Nghi đã bị đốt cháy, rống lên tham khóc thảm thiết. Dân vùng Khe Ve cho biết, để trả thù cho chủ, con voi là nổi khiếp sợ của quân Pháp ở các đồn trú gần đó. Nhiều lần nó đã rượt đuổi, chà chết nhiều toán lính Pháp,và giúp các nghĩa quân Cần Vương tiếp tục cuộc chiến đấu. Có truyền thuyết kể lại rằng, sau khi Hàm Nghi bị bắt, tướng Lê Mộ Khởi vẫn tập hợp một số nghĩa quân vào rừng sâu tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến. Nghĩa quân của Lê Mộ Khởi đã phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng chiến đấu chóng lại những cuộc càn quét của quân Pháp ở vùng miền Tây Quảng Bình, Hà Tĩnh. Năm 1893 Lê Mộ Khởi bị sốt rét rừng, sức tàn lực kiệt chính con voi của vua Hàm Nghi đã đưa ông về về quê hương ông ở tận làng Cao Lao bên dòng sông Gianh, sau đó nó lại trở về rừng xanh vùng núi Minh Hóa. Hàng ngày không thấy ở đâu nhưng thỉnh thoảng, đến gần ngày vua Hàm Nghi bị bắt nó lại xuất hiện ở vùng Khe Ve, Quy Đạt, Chà Mạc gầm rống lên như than khóc. Có khi voi như nổi cơn điên dữ dội, phá tan cả một cánh rừng. Có khi người ta bắt gặp nó phủ phục bên đường rên rĩ nhớ thương người chủ củ. Voi về rồi lại đi, trước khi đi người ta thấy nó quay đầu về hướng tây quỳ lạy một hồi lâu rồi thất thểu đi vào rừng xanh.
Dân làng ở Khe Ve cho biết, trên cổ voi còn mang một vành đai bằng vàng khảm ngọc do đó rất nhiều thợ săn các nơi về đây theo đuổi săn bắt nhiều ngày nhiều năm nhưng đều không được. Dân làng cho rằng nó đã chết và hóa thành Voi thần trên vùng núi Cha Lo.
Người sưu tầm: Nguyễn Đức Danh
Theo ông Cao Lượng xã Dân Hóa
No comments: