» » Có ai về Rào Nan ...

17 giờ 30 phút ngày 2-1-1973, 3 máy báy B52 của không quân Mỹ bất ngờ đột nhập từ phía Tây Trường Sơn giội bom vào quê hương tôi - thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hơn 100 cán bộ cấp tỉnh, bộ đội, TNXP, dân quân du kích và người dân vô tội quê tôi đã vĩnh viễn ra đi…
Đình làng Thọ Linh.
Bữa cơm chiều đẫm máu
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quê tôi trở thành pháo đài chiến đấu. Đoạn sông Rào Nan (một nhánh của sông Gianh) chảy qua quê tôi là nơi trú quân của một Hải đoàn tàu phóng lôi. Hải đoàn này hằng đêm theo sông Gianh ra biển, chống lại các hạm đội của giặc Mỹ, bảo vệ phà Gianh. Trên đoạn sông ấy, ngoài Hải đoàn tàu phóng lôi, còn có xưởng công binh làm nhiệm vụ sửa chữa, đóng mới phà phục vụ nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, phương tiện, vũ khí qua sông Gianh; nơi đặt trạm xăng dầu chi viện cho chiến trường; nơi xuất phát của tuyến đường giao liên vượt Trường Sơn để các đoàn quân vào Nam… Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (1972-1973) của đế quốc Mỹ, quê tôi là nơi sơ tán bí mật của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Bình.
Sau thất bại 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, giặc Mỹ tuyên bố chỉ ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Thế nhưng, ngay trong những ngày Tết dương lịch năm 1973, đế quốc Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng cam kết, tổ chức nhiều trận oanh kích bằng máy bay B52 xuống vùng đất phía Bắc giáp ranh vĩ tuyến 20, gây nên nhiều nỗi đau đối với người dân vô tội, trong đó có bà con, làng xóm của tôi.
Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 2-1-1973, một phi đội gồm 3 máy bay B52 bất ngờ đột nhập từ phía Tây Trường Sơn giội bom vào quê hương tôi. Loạt bom thứ nhất chúng trút xuống xóm đình – một thôn nhỏ bình yên vốn có ngôi đình làng lâu đời và đẹp nhất miền Trung, giết chết nhiều bà con quê tôi, trong đó có nhiều người già, trẻ em, phụ nữ có thai.
Loạt bom thứ hai và thứ ba, chúng trút xuống xóm Chùa và thôn Bắc Sơn san phẳng hơn hai trăm nóc nhà, giết chết và làm bị thương thêm nhiều người dân vô tội. Đặc biệt, chúng hết sức man rợ, khi chọn thời gian diễn ra bữa cơm chiều trong mỗi gia đình người dân quê tôi để gây tội ác. Sau những trận bom tàn khốc của đế quốc Mỹ, vô số người dân quê tôi bị chết ngay bên mâm cơm. Có gia đình tám người không còn ai sống sót.
Sau loạt bom, người dân quê tôi gào thét gọi tìm nhau, đào bới cấp cứu, khiêng cáng cõng dìu người thân máu me đầm đìa trong màn đêm đặc sệt và cái lạnh tê tái.
Tội ác đến trong yên tĩnh vì chúng tôi chưa kịp nghe tiếng động cơ B52. Trong phút chốc, cả ba thôn đã bị bom đạn san phẳng, sặc sụa khói bom. Tiếng gọi tìm nhau thảm thiết, tiếng khóc tiếng kêu cứu xé ruột xé gan. Hơn 400 người dân đã bị giặc Mỹ giết hại và làm bị thương chỉ trong phút chốc. Hơn ba trăm nóc nhà bị san phẳng, nhiều thuyền bè, phương tiện sản xuất bị phá hủy… Giữa mùa đông lạnh cóng, hàng trăm người bị thương phải sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trên bãi bom B52 vẫn còn bốc khói…
Một tuần sau, giặc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom và rải mìn phong tỏa vô điều kiện, chấp nhận ngồi vào đàm phán để ký kết hiệp định Pa-ri. Ngày hòa bình đến với quê tôi trong cảnh đổ nát tang thương - gia đình nào cũng có người thân mất mát và bị thương; gặp nhau chỉ chào qua ánh mắt, những vành môi mím chặt để không bật lên tiếng khóc…
Mong ước của người dân Quảng Sơn
Điều đáng nói là lúc xảy ra trận ném bom, quê tôi là nơi sơ tán và làm việc của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Phó chủ tịch MTTQ tỉnh cùng nhiều cán bộ cấp tỉnh cũng đã hy sinh trong trận bom ấy. Ngay trong trận bom B52 đó nhiều người dân đã lấy thân mình chở che bảo vệ cán bộ… Tự hào lắm, nhưng cũng còn nhiều điều trăn trở.
Quê tôi phải dùng máu để đổi lấy hòa bình. Đó là sự thật. Đó là khúc tráng ca bi hùng của người dân quê tôi nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Những người con dũng cảm đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, họ là cán bộ; bộ đội; TNXP; dân quân du kích trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Họ là những giáo viên đang làm nhiệm vụ giảng dạy tại vùng tuyến lửa…
Là dân quân du kích sống sót sau trận bom B52 hủy diệt đó, tôi nhập ngũ rồi chiến đấu trên nhiều chiến trường. Bây giờ, mỗi lần về thăm quê, tôi chỉ ao ước một điều: Ngày gần nhất, quê tôi có được tấm bia ghi lại tội ác của kẻ thù đối với nhiều người dân vô tội. Rồi những con người, những số phận đã, đang phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh sẽ được quan tâm, chăm lo nhiều hơn...
“Có ai về Rào Nan...” - lời trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi!” đó là quê tôi. Đã gần 40 năm đã trôi qua, vết thương trên cơ thể quê tôi vẫn còn rỉ máu. Vết tích trận B52 vẫn còn hằn sâu trên mặt đất và trong thôn xóm. Cổng đình làng Thọ Linh – ngôi đình hơn 200 năm tuổi - vẫn đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử tố cáo tội ác man rợ của quân xâm lược!

(*) Nạn nhân sống sót trong trận bom B52 lúc 17 giờ 30 phút ngày 2-1-1973; hiện ở: 569/10, đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
(*) TRẦN ĐÌNH BÁ

Nguồn tin: Quân đội nhân dân thứ bảy

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn