Đèo Mụ Giạ nằm trên Đường 12A, gần cửa khẩu Cha Lo, là địa giới tự nhiên của hai nước Việt Nam và Lào. Nơi đây có núi cao, rừng rậm nhiều khe suối. Đèo Mụ Giạ là một di tích lịch sử.
Cảnh núi rừng vùng Đèo Mụ Giạ ở Biên giới Việt - Lào |
Cách đây hơn một trăm năm từng in dấu chân của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần Vương đầu thế kỷ XX. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đèo Mụ Giạ nói riêng và cả tuyến đường 12A nói chung là một tọa độ lửa, nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân dân ta đánh bại mọi cuộc tấn công hủy diệt của máy bay Mỹ bảo đảm cho tuyến đường thông suốt chi viện cho tiền tuyến. Đèo Mụ Giạ là con đèo thủy chung của tình đoàn kết chiến đấu hai dân tộc Việt- Lào trong hai cuộc kháng chiến và ngày nay là con đèo gắn kết tình hình nghị và cùng nhau phát triển của hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn.
Thuở xa xưa, nước ta thời các vua Hùng, tiếp giáp với nước Tiết Hầu ở phương Nam. Hai nước Văn Lang và Tiết hầu cùng chung biên giới, núi liền núi, sông liền sông. Vì thế nhiều lúc không phân biệt đâu là ranh giới.
Trong dân gian đã có nhiều ý kiến đưa ra phải làm sao để phân chia ranh giới rạch ròi của mỗi nước. Hai ông vua của hai nước vốn tính hiền hòa, không muốn chiến tranh xảy ra bằng đao binh để phân chia biên giới bèn nghĩ cách để giải quyết bằng hòa bình. Mỗi bên cử một người ra đi từ nước mình sang nước bên kia cùng một thời gian, cùng một giờ, cùng một ngày nếu ai đến trước gặp nhau ở đâu thì lấy đó làm ranh giới biên cương của mỗi nước.
Nhà vua cử sứ giả ra đi tìm khắp cả nước tìm người tài giỏi để đảm nhận trọng trách này. Sứ giả đã đi khắp nơi hết vùng này sang vùng khác mà vẫn chưa tìm được người. Mặc dù đã sắp đến ngày thi tài nhưng vẫn chưa tìm được ai vừa ý. Lúc ấy ở một làng quê hẻo lánh, tận miền Tây của tỉnh Quảng Bình có một bà già khỏe mạnh, bà chỉ sống có một mình. Vì ở vùng hẻo lánh, sống lẻ loi đơn độc nên sứ giả tìm mãi đến gần ngày cuối cùng mới tìm được. Khi nghe sứ giả nói tin này, bà già rất mừng, bà đã sốt sắng nhận lời.Thấy bà người cao to khỏe mạnh khác thường, sứ giả khấp khởi mừng thầm vội vả đưa bà về yết kiến nhà vua.Vua rất đổi vui mừng, cử bà tham gia vào cuộc thi đi bộ vào sáng hôm sau. Suốt đêm ấy, bộ phận nhà bếp đã chuẩn bị cho bà cơm nước để bà ăn. Bà tên là Giạ đã ăn hết mấy nong cơm lớn để tờ mờ sáng hôm sau bước vào cuộc thi đấu.
Rạng canh năm, khi gà vừa báo canh thứ nhất, mụ Giạ đã chuẩn bị khởi hành. Bà đi nhanh như chim bay, mỗi bước của bà đi vượt qua hai ba quả núi cao, năm sáu ngọn đồi lớn. Chưa đầy nửa buổi, bà đã đi mấy trăm dặm đường. Đến quá trưa, chân bà đã đặt chân tới dãy Khai Trướng (núi Giăng Màn) ở Quảng Bình giáp ranh giữa hai nước Việt (Việt Nam) và Tiết Hầu (Lào).Và cuối cùng bà đã gặp người của nước bên kia nam con đèo.Từ đó, ngọn đèo trở thành biên giới tây nam của nước ta, ngọn đèo đó thuộc dãy núi Giăng Màn- địa giới thiên nhiên của hai nước Việt- Lào ngày nay. Đó là con đèo tình nghĩa, là vùng rừng phân thủy, xuôi dòng theo con nước chảy. Bên này đi về Khe Ve, La Trọng (Việt Nam), bên kia đi về Ba Na Phầu, Lằng Khằng, bản Đủ, bản Tươn của đất nước Triệu voi.
Để ghi nhớ công lao của bà mở mang bờ cõi, người ta lấy tên của bà đặt tên cho con đèo ấy là Đèo Mụ Giạ.
Người sưu tầm: Trần Thị Thị Hồng
Theo lời kể của ông Hồ Bôn,
bản Y Leng,
xã Dân Hóa, Minh Hóa
Dị bản:
Về tên Đèo Mụ Giạ có truyền thuyết rằng kể rằng, ngày xưa đói kém, dân làng phải vào rừng tìm củ núc , củ nâu để sống qua ngày. Từng đoàn người phải tha phương cầu thực. Họ kéo nhau vượt qua những ngọn núi điệp trùng của dãy Trường Sơn. Có một bà cụ già, đã già lắm, không còn ai nương tựa phải chống gậy đi theo đoàn người để tìm cái sống. Lên đến đỉnh đèo thì cụ kiệt sức, khụy xuống, trút hơi thở cuối cùng nơi ngọn đèo heo hút nơi khúc yên ngựa của dãy Giăng Màn. Người trong đoàn chôn cất cụ nơi đỉnh đèo. Về sau, cứ mỗi người đi qua nơi này đều đắp thêm cho cụ một hòn đá, nắm đất. Nấm mộ cụ ngày càng cao rộng, trở thành một cột mốc của những tha phương cầu thực xứ người. Họ đặt tên cho ngọn đèo nơi biên giới giữa hai nước Việt- Lào đèo Mụ Giạ ( đèo bà già- theo tiếng địa phương).
No comments: