» » Nỗi đau bốn thập kỷ

Quê tôi, vết tích trận B52 với những hố bom khổng lồ vẫn còn hằn sâu trên mặt đất và trong thôn xóm. Cổng đình làng Thọ Linh - ngôi đình hàng trăm năm tuổi - vẫn đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử với hai cột đình ngày đêm vươn thẳng vạch lên trời xanh  tố cáo tội ác man rợ của quân xâm lược!

Mỗi năm cứ đến ngày 26-12, hàng trăm gia đình ở Khâm Thiên (Hà Nội) đều có giỗ cho 287 người thân thì quê tôi (Quảng Sơn, Quảng Trạch) cũng vậy. Đã 40 năm nay, kể từ ngày 2-1-1973, là ngày giỗ chung cho 103 người dân quê tôi đã bị bom B52 sát hại . Đây là trận bom hủy diệt cuối cùng bằng loại pháo đài bay hiện đại nhất của giặc Mỹ để sau đó chấp nhận ngừng ném bom, ngồi vào đàm phán ký Hiệp định Paris.

Khâm Thiên giữa lòng Thủ đô nên thế giới và cả nước đều biết, còn quê tôi bên dòng sông Rào Nan - một địa danh trong bài hát nổi tiếng của Hoàng Vân "Quảng Bình quê ta ơi !"  đã 40 năm nay tưởng nhớ người thân trong nước mắt ngậm ngùi.

Năm mới và bữa cơm chiều đẫm máu!

Sau tội ác gây ra ở Khâm Thiên và thất bại nặng nề suốt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội cùng sự lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế, Ních xơn buộc phải tuyên bố ngừng rải thảm bằng B52 vào Thủ đô để chỉ  ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Thế nhưng, ngay trong những ngày Tết dương lịch năm 1973, giặc  Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng cam kết ngưng bắn, tổ chức oanh kích bằng máy bay B52 xuống quê tôi giết chết nhiều người dân vô tội, trong đó có nhiều cụ già, em nhỏ, phụ nữ mang thai.

Đó là vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 2-1-1973, một phi đội gồm 3 máy bay B52 bất ngờ đột nhập từ phía tây Trường Sơn dội bom vào quê hương tôi. Không giống như Khâm Thiên có còi báo động thành phố, bom B52 bất ngờ ập xuống giữa lúc người dân quê tôi đang quây quần trong mâm cơm sau một ngày lao động trên đồng áng. Loạt bom thứ nhất chúng trút xuống xóm Đình - một thôn nhỏ bình yên vốn có ngôi đình làng lâu đời và rất đẹp ở  Quảng Bình, giết chết nhiều người trong đó có nhiều người già, trẻ em, phụ nữ có thai.

Quảng Sơn (Quảng Trạch) chưa có một tượng đài như Khâm Thiên Hà Nội để tưởng nhớ nạn nhân B52!
Quảng Sơn (Quảng Trạch) chưa có một tượng đài như Khâm Thiên Hà Nội để tưởng nhớ nạn nhân B52!
Loạt bom thứ hai và thứ ba, chúng trút xuống xóm Chùa và thôn Bắc Sơn, san phẳng hơn hai trăm nóc nhà, giết chết và làm bị thương thêm nhiều người dân vô tội. Đặc biệt, chúng hết sức man rợ, khi chọn thời gian diễn ra bữa cơm chiều trong mỗi gia đình để gây tội ác. Sau những trận bom tàn khốc của đế quốc Mỹ, vô số người dân quê tôi bị chết ngay bên mâm cơm. Gia đình ông Trần Đình Lức cả tám người không còn ai sống sót, Cụ Đinh Thị Ben - người mẹ có 5 con đi bộ đội, được vinh dự gặp Bác Hồ khi Người vào thăm Quảng Bình, cũng bị giết hại cùng với con dâu, hai cháu nội, cả nhà duy nhất còn lại một người sống sót đó là Trần Thị Hà. Bom B52 đã giết hại 103 người, làm hơn 300 người bị thương, có người bị bom cướp mất cả chân tay, nhiều người phải sống cảnh tàn phế.

Tội ác đến trong yên tĩnh vì không nghe được tiếng động cơ B52, không có còi báo động như ở Thủ đô. Cả ba loạt bom như sấm sét liên tiếp nối nhau giáng xuống chỉ trong vài chục giây. Cả ba thôn đã bị bom đạn san phẳng, sặc sụa khói bom. Tiếng gọi tìm nhau thảm thiết, tiếng khóc tiếng kêu cứu xé ruột xé gan.

Chỉ một tuần sau, giặc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom và rải mìn phong tỏa vô điều kiện, chấp nhận ngồi vào đàm phán để ký kết Hiệp định Pa-ris. Ngày hòa bình đến với quê tôi trong cảnh đổ nát tang thương - gia đình nào cũng có người thân mất mát và bị thương; gặp nhau chỉ chào qua ánh mắt, những vành môi mím chặt để không bật lên tiếng khóc... Quê tôi đi trước về sau trong hai cuộc chiến tranh phá hoại , máu nhân dân nhuộm đỏ đất quê hương trước thềm hòa bình...

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quê tôi trở thành pháo đài chiến đấu. Đoạn sông Rào Nan (một nhánh của sông Gianh) chảy qua quê tôi là nơi trú quân của một hải đoàn tàu phóng lôi. Hải đoàn này hằng đêm theo sông Gianh ra biển, chống lại các hạm đội của giặc Mỹ, bảo vệ phà Gianh.

Trên đoạn sông ấy, ngoài hải đoàn tàu phóng lôi, còn có xưởng công binh làm nhiệm vụ sửa chữa, đóng mới phà phục vụ nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, phương tiện, vũ khí qua phà sông Gianh; nơi đặt trạm xăng dầu chi viện cho chiến trường; nơi xuất phát của tuyến đường giao liên vượt Trường Sơn để các đoàn quân vào Nam... Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (1972-1973) của đế quốc Mỹ, quê tôi là nơi sơ tán bí mật của các cơ quan đầu não tỉnh Quảng Bình.

Nỗi đau âm thầm đi qua bốn thập niên

Điều đáng nói là lúc xảy ra trận ném bom, quê tôi là nơi sơ tán và làm việc của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Gần đây,  họa sỹ Lê Duy Ứng - người thương binh lấy máu ở mắt mình vẽ hình ảnh Bác Hồ, giờ đây gần như mù hẳn lặn lội tìm đến nơi tôi đang sinh sống ở Miền Nam hỏi cặn kẽ về trường hợp hy sinh của người bác ruột mình, đó là thầy thuốc  Lê Công Truyền - cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại đây vẫn chưa được suy tôn liệt sỹ. Ngay trong trận bom B52 đó, nhiều người dân đã lấy thân mình chở che bảo vệ cán bộ.

Tôi sống sót trong trận B52 hủy diệt đó như một sự may mắm diệu kỳ. Là học sinh trường cấp 3, cuối năm đó tôi thi đậu vào Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Song đứng trước cảnh quê hương đau  thương, tôi xếp bút nghiên mang theo mối thù B52 ra trận. Trở về Trường đại học Kiến trúc Hà Nội rồi chuyển về miền Nam sau 9 năm cầm súng, tôi lao vào mặt trận khoa học kỹ thuật.

Mỗi lần đến hội Kiến trúc sư Việt Nam làm việc tôi cố dành thời gian ghé lại Tượng đài Khâm Thiên. Tượng đài Khâm Thiên nghi ngút khói hương. Nhìn Bà mẹ Khâm Thiên ôm xác con, tôi không khỏi thắt lòng. Tôi cúi đầu trước  vong linh bà con Khâm Thiên, mà lòng nghĩ đến những vong linh người dân quê tôi xã Quảng Sơn - nạn nhân của sự hủy diệt B52.

Quê tôi, vết tích trận B52 với những hố bom khổng lồ vẫn còn hằn sâu trên mặt đất và trong thôn xóm. Cổng đình làng Thọ Linh - ngôi đình hàng trăm năm tuổi - vẫn đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử với hai cột đình ngày đêm vươn thẳng vạch lên trời xanh  tố cáo tội ác man rợ của quân xâm lược!

Cán bộ và nhân dân Quảng Sơn đang mong muốn có một đài tưởng niệm những nạn nhân trong vụ bom B52 của Mỹ rải thảm đó.

                                                                              Trần Đình Bá

Giới thiệu Anonymous

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn