» » Thương lắm, làng cách đò trở giang

Tại bến đò xã Quảng Sơn (Thị xã Ba Đồn) chúng tôi được chị Lê Thị Thuận đưa qua sông Nan để đến hai thôn Khe Dét và Hà Sơn. Đi cùng chúng tôi trên con đò nhỏ, còn có nhiều người dân đi chợ về. Nhìn làng quê đẹp như một bức tranh thuỷ mặc ít ai nghĩ rằng nơi đây còn nhiều vất vả, khó khăn đến thế.

Chông chênh đường đến trường

Làng "không đường, không trường, không nước", mùa lũ lụt thì xói lở, ngập lụt, mùa nắng thì nước sinh hoạt nhiềm phèn, nhiễm mặn, phải vào khe sâu gánh nước về dùng.

Chị Thuận lặng lẽ buông mái chèo, giữa dòng nước lặng nhưng con đò vẫn chao đảo bởi số lượng người đông. Cách đây hơn 6 tháng, ông Khánh người trong thôn làm cái việc đưa đò nhưng trận lũ lịch sử năm 2011 đã cuốn trôi con thuyền, nên ông đã bỏ nghề. Từ ngày con đò của ông Khánh bị cuốn trôi, việc đi lại qua sông của người dân bị đảo lộn, các cháu học sinh đi học phải vòng lên hơn 2km để đến bến đò thôn Hà Sơn. Người dân muốn đem hàng hoá đi bán cũng phải đi vòng thật bất tiện. Chị Thuận kể, nhà chị có 5 đứa con đang đi học từ lớp mầm non đến cấp 3, hằng ngày để các cháu đến được trường thì phải đi vòng mới có đò để qua.

Nhìn thấy, bà con trong thôn xuôi ngược vất vả tìm phương tiện qua sông, vợ chồng chị đã dành dụm được 15 triệu đồng mua một chiếc đò để chở các cháu đi học. Sau đó, các cháu trong thôn cũng xin đi nhờ nên chị mới chèo, chứ chị không có bằng lái đò.  Chị Thuận cho biết thêm: khổ lắm chú à, những ngày bình thường thì chúng tôi mừng lắm, chứ vào mùa lụt, dòng nước chia cắt, các cháu học sinh chỉ biết nghỉ học, người dân hết gạo cũng đành chịu đói vì dòng nước chảy xiết, hung dữ lắm.

Hiểm họa đò ngang đang rình rập người dân thôn khe Dét và Hà Sơn.
Hiểm họa đò ngang đang rình rập người dân thôn khe Dét và Hà Sơn.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Lưu, trưởng thôn Khe Dét, ông cho biết, do địa hình chia cắt bởi dòng sông Nan nên xã Quảng Sơn có hai thôn phải cách đò trở giang, riêng thôn Khe Dét có 98 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Hiện tại, thôn có hơn 100 em học sinh ngày ngày qua sông để đến trường. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào bên kia sông. Chẳng hạn, bà con muốn mua con cá, mớ rau đều phải đi đò qua sông. Cuộc sống của bà con thôn đã khó khăn rồi nay còn thêm nỗi lo về an toàn tính mạng khi qua sông nữa...

Cũng giống như thôn Khe Dét, thôn Hà Sơn cũng chỉ có duy nhất 1 chiếc đò ngày ngày đưa học sinh và người dân qua sông. Được biết, thôn Hà Sơn có 69 hộ, 304 nhân khẩu, trong đó gần 100 em học sinh từ mầm non đến cấp 3 hằng ngày phải qua sông để học cái chữ.

Khoảng 10h30 phút, chúng tôi có mặt tại bến đò qua thôn Hà Sơn, chiếc đò nhỏ đang đậu giữa bến. Giữa trưa nắng, đã có gần 10 em học sinh mang đồng phục của Trường tiểu học số 2 Quảng Sơn đợi trên đò. Khoảng 15 phút sau, chiếc đò được buông chèo, điều làm chúng tôi bất ngờ là người cầm chèo là một em học sinh Trường THCS Quảng Sơn đang đi học về, trên vai đang mang cặp sách. Chúng tôi không khỏi rùng mình khi trông thấy trên đò có hơn 20 em học sinh, trong đó có 10 em là học sinh tiểu học lên đò mà không có một người lớn nào chỉ dẫn.

Cần lắm một cây cầu!

Từ bến đò Hà Sơn, người dân tấp nập xuống đò để sang bến. Từ năm 2007, xã đã có  ý định làm một chiếc cầu treo nhưng sau đó không biết thế nào lại thôi. Đem nguyện vọng cần có một chiếc cầu của người dân hai thôn Khe Dét và Hà Sơn trao đổi cùng ông Trần Văn Huyển, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Sơn, ông cho hay, do tính đặc thù của địa phương nên hiện nay 2 thôn Hà Sơn và Khe Dét đường giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu đi bằng đò.

Chính quyền xã đã biết chuyện học sinh, người dân đi lại bằng đò là không bảo đảm an toàn tính mạng, nhưng hiện tại, địa phương "lực bất tòng tâm" không biết tìm ngân sách ở đâu để xây dựng một chiếc cầu hàng chục tỷ đồng. Năm 2007, chính quyền địa phương đã có kế hoạch xây dựng một chiếc cầu treo để bà con đi lại nhưng sau khi mời nhà thầu về khảo sát địa hình thì vượt quá dự án đầu tư của xã nên đến nay vẫn chưa có cầu.

Trước câu hỏi của chúng tôi về tình hình bảo đảm an toàn giao thông tại hai bến đò, ông Huyển khẳng định, hiện tại hai bến đò vẫn có đủ áo phao, hằng năm xã đã hỗ trợ cho mỗi chủ đò 3 triệu đồng để tu bổ, mua sắm áo phao, trang thiết bị trên đò nhằm bảo đảm an toàn đi lại. Sau khi đi thực tế, chúng tôi đã khẳng định với ông Huyển rằng hiện ở hai bến đò không có một chiếc áo phao nào thì ông Huyển đã xác nhận và sẽ kiểm tra, quán triệt, giao trách nhiệm cụ thể cho từng chủ đò.

Về vấn đề xây dựng cầu, ông Huyển cho biết, hiện tại trong Đề án xây dựng nông thôn mới của xã đã có quy hoạch cụ thể, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu vốn. Do đó, trước mắt xã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư để làm sao xây dựng được một chiếc cầu phục vụ vấn đề dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông.

Không chỉ là mong mỏi của người dân mà chính quyền xã cũng đang day dứt là làm sao có một chiếc cầu nối hai bờ sông để phát triển kinh tế địa phương, bà con thuận tiện đi lại, đặc biệt là các cháu học sinh đến trường an toàn.

                                                                                             Xuân Thi

Giới thiệu Anonymous

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn