» » Năm liệt nữ quê xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình

Đó là Trần Thị Hợp, Trần Thị Phú, Phan Thị Thỉu, Trần Thị Quý và Phan Thị Ngọc Huê.

Hình ảnh chụp ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm cô gái trên dòng Linh Giang!
Tôi gửi bài viết này về Tòa soạn trong dịp 27/7 làm một nén nhang thắp cho đồng đội - tưởng nhớ đến năm người con gái - năm nữ đoàn viên - đã hy sinh… Ngày 30/9/2006 sẽ kết thúc việc làm thủ tục xác nhận liệt sĩ trong chống Mỹ cứu nước và số phận 5 nữ đoàn viên quê tôi có nguy cơ trở thành “những đứa con bị từ chối “ - Những linh hồn của họ sẽ vĩnh viễn “sống dưới đáy sông Gianh“.
Là người chứng kiến hành động dũng cảm của những người nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì nhiệm vụ quan trọng do tổ chức giao mà giờ đây trở thành “những đứa con bị từ chối“, tôi thấy có trách nhiệm nói lên một thực tế nhức nhối đang diễn ra ngay trên quê hương tôi - Quảng Bình - nơi chiến tranh đã đi qua - vùng đất“ xe chưa qua nhà không tiếc“.
Đó là năm nữ đoàn viên, học sinh lớp 7 hệ 10 của xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã dũng cảm quên thân mình xông ra mặt đường làm nhiệm vụ và đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch vận tải quân sự đặc biệt khẩn cấp chi viện chiến trường vào tháng 11 năm 1968.
Thời kỳ đó chiến tranh ác liệt lắm, Bác Hồ và Trung ương tìm mọi cách đưa học sinh Quảng Bình Vĩnh Linh ra miền Bắc tránh bom đạn với mật danh K8 - K10, song nhiều ngả đường bị đánh phá đi làm sao hết. Chúng tôi là những người ở lại học tập trong bom đạn, lớn lên tham gia dân quân du kích và làm lực lượng tại chỗ phục vụ chiến đấu. Sau Mậu Thân, ở Miền Nam, giặc khủng bố trắng, bộ đội đang đói gạo đói đạn, ở quê tôi, giặc dùng máy bay bắn phá điên cuồng suốt ngày đêm nhằm ngăn chặn sự chi viện, tôi đã chứng kiến nhân dân quê tôi lúc đó phải huy động nốt những gánh thóc dự trữ trong dân cho Chính phủ vay để kịp nuôi quân đáng giặc….
Ngày 01/11/1968, nhận mệnh lệnh khẩn cấp từ trên bí mật truyền xuống, chính quyền và xã đội Quảng Sơn tức tốc thành lập đội quân công tác gồm những đoàn viên ưu tú, dũng cảm của đoàn Trường cấp hai đang học tập tạm “xếp bút nghiên” khẩn cấp vượt sông Gianh trong tiếng máy bay rà lượn để kịp đến nơi làm nhiệm vụ. Trận địa mặt đường là Quốc Lộ 12A đoạn từ thị trấn Ba Đồn qua Lào, ở đó có kho trung chuyển Quảng Trường là một vùng trọng điểm bị đánh phá ác liệt lúc đó ngổn ngang hố bom chồng chất ẩn chứa trong đó nhiều bom nổ chậm, bom bi, bom từ trường... Họ đã làm việc suốt ngày đêm, không quản hiểm nguy, quên hết mệt nhọc. Hạnh phúc lớn của họ lúc đó là nhanh chóng lấp hố bom, thông đường cho những chuyến xe đầy gạo, đạn, thuốc men... lăn bánh vào chiến trường.
Sau nhiều ngày làm việc liên tục ngày đêm chưa kịp nghỉ ngơi thì lệnh của trên truyền xuống: Các đơn vị nhanh chóng đưa quân tránh xa vùng trọng điểm, trở về vị trí ban đầu để đề phòng máy bay giặc sắp trở lại đánh phá. Đoàn công tác lúc này phải vượt qua sông Gianh. Lúc này trời đã tối, mùa Đông rất giá lạnh, máy bay giặc đã bắt đầu rà lượn tìm mục tiêu, nước sông mùa đông ở khu vực này chảy rất xiết cùng với gió mùa đông bắc thổi mạnh. Khi vượt sông Gianh lần thứ hai thì trời tối mịt, con thuyền nhỏ như chiếc lá bị sóng nhấn chìm. Đêm tối, chiến tranh đen đặc, không hề có một bóng thuyền nào ứng cứu, đoàn công tác tự vật lộn giúp nhau để bơi vào bờ nhưng giá lạnh tái tê và sức lực cạn kiệt sau nhiều ngày làm việc không nghỉ đã cướp đi năm nữ đoàn viên. Đó là Trần Thị Hợp, Trần Thị Phú, Phan Thị Thỉu, Trần Thị Quý và Phan Thị Ngọc Huê. Thi hài của họ vật vờ giữa những quả bom thủy lôi chưa nổ trôi mãi gần tới tận Phà Gianh.
Chỉ huy chiến dịch, chính quyền huyện cùng các xã hai bên sông đã nỗ lực tìm kiếm, mãi nhiều ngày sau mới tìm hết. Thi hài của họ được chính quyền đoàn thể mang về quê mai táng chu đáo. Khâm phục nhiệt tình cách mạng và công lao của họ, Đảng ủy Chính quyền, các đoàn thể đã tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm dành cho người có công. Buổi lể truy điệu trong một đêm tối chiến tranh dưới ánh đèn phòng không leo lét, vậy mà có rất đông nhân dân cùng đại diện chỉ huy chiến dịch vận tải đến dự. Đảng ủy chính quyền đoàn thể đọc điếu văn nói về thân thế, biểu dương tinh thần cách mạng của năm nữ đoàn viên, thay mặt Đảng bộ và chính quyền địa phương ghi nhận công lao, phát động học tập đạo đức, nhiệt tình cách mạng của họ, động viên nhân dân tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất, động viên thanh nhiên nhập ngũ chiến đấu trả thù cho quê hương.
Tôi lúc đó là học sau các chị 2 lớp, cũng có mặt trong buổi lễ truy điệu. Vài năm sau lớn lên, noi gương các chị, tôi cũng xếp bút nghiên lên đường tham gia chiến dịch mùa xuân 1975, rồi biên giới Tây Nam... Tôi luôn mang theo hình ảnh quê hương… hình ảnh năm chị Đoàn viên trong từng cánh rừng - từng trận đánh….
Ở quê tôi, Đảng ủy, chính quyền đoàn thể và nhân dân thấy họ hy sinh trong trường hợp: “Dũng cảm làm những nhiệm vụ cấp bách phục vụ Quốc phòng - An ninh, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ khẩn cấp phục vụ Quốc phòng - An ninh” theo các điều khoản của Nghị định 28/CP nên đã lập hồ sơ báo công đề nghị suy tôn liệt sĩ cho họ với đầy đủ thủ tục. Trong mỗi bộ hồ sơ của năm nữ đoàn viên hi sinh đều có sự xác nhận của Đảng ủy, chính quyền đoàn thể, cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người giao nhiệm vụ, đoàn trưởng, đoàn phó lúc đó, biên bản họp của Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, chi bộ và chi hội cựu chiến binh cơ sở. Các bước thủ tục đều công khai trước nhân dân và được mọi người nhất trí đồng tình. Bà Đinh Thị Diễn, nữ du kích là Ủy viên thường vụ Đảng ủy - Chủ tịch xã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, cũng là người đọc điếu văn trong lễ truy điệu năm nữ Đoàn viên đã cam kết. Lúc đó, tôi là chủ tịch xã cùng với nhà trường huy động Đoàn viên học sinh đi chiến dịch vận tải Quân sự!
Hồ sơ được cán bộ nghiệp vụ xã sắp xếp một cách chu đáo đúng tình tự và chuyển đến phòng Tổ Chức xã hội huyện Quảng Trạch từ tháng 7-1997. Mãi gần một năm sau mới nhận được một tờ thông báo số 11/TC-XH ngày 04/4/1998 với lời nhận xét: “Theo hồ sơ gia đình lập, xã xét duyệt chuyển về phòng TCXH thì năm trường hợp trên không thuộc diện xác nhận liệt sĩ”, họ trả hồ sơ về xã mà không chịu giải quyết trình lên cấp trên. Thấy vô lí, đại diện các thân nhân và người làm chứng đã viết đơn kiến nghị đến sở LĐTB&XH tỉnh để hỏi thì vẫn được giám đốc sở giải thích “năm trường hợp này không đủ điều kiện suy tôn liệt sĩ“. “Diện” là thế nào, “Điều kiện” những gì? hoàn toàn không có giải thích. Không lẽ phải là con liệt sĩ mới thuộc diện xem xét liệt sĩ!? Thật xót xa trong số năm chị nữ Đoàn viên hy sinh thì có 3 chị là con của 2 liệt sĩ, có nghĩa là có hai chị em ruột con của một liệt sĩ cùng một lúc hy sinh trong chiến dịch đó.
Thật nghịch lý, khi Tổ quốc lâm nguy, những người dân yêu nước đã dũng cảm quên thân xông ra mặt đường, xông ra chiến trường, xông pha tranh đấu trực diện trước mũi súng quân thù mà không hề do dự chọn lựa “thuộc diện” hay ”tiêu chuẩn” hay mặc cả, đặt “điều kiện”. Thế mà lập luận máy móc và nghịch lý này đang diễn ra như một sự thách thức công luận.
Từ năm 1997 đến nay, mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng LĐ&TBLS về quan điểm “Lấy dân làm gốc”, tôn trọng công khai dân chủ và nguyện vọng của nhân dân trong việc thực hiện nghị định 28/CP, nhiều ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của Thường vụ tỉnh ủy, của Chủ tịch UBND tỉnh, đã có bài “Năm cô gái tuổi trăng tròn” nói về tấm gương hy sinh của họ đăng trên báo Quảng Bình… song, ban giám đốc sở LĐTB&XH Quảng Bình vẫn không cho tiếp nhận hồ sơ, phủ nhận hoàn toàn việc làm công khai dân chủ của Đảng bộ - chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, phủ nhận tờ trình của Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, phớt lờ các văn bản chỉ đạo của Bộ, của Thường vụ tỉnh ủy. Ông Mai Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy đã xót xa với tôi: ”kỳ họp nào của Đảng ủy, HĐND - UBND đều nhắc đến vấn đề này, chúng tôi coi đây như một việc làm chưa tròn với dân, Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - UBND và các đoàn thể đã làm hết trách nhiệm rồi, công khai dân chủ đều đủ cả… cho đến giờ, phòng chính sách xã hội và Sở LĐ&TBXH vẫn không ai ký nhận hồ sơ…” Vậy mà những lời thiêng liêng của Đảng bộ - chính quyền cách đây 38 năm trong lễ truy điệu họ vẫn chưa tròn.

Chiến tranh thật quá nghiệt ngã với những người con gái xuân xanh tràn trề khát vọng hạnh phúc. Sau Tám cô gái TNXP trong một hang đá ở miền tây Quảng Bình 1967, Mười cô gái trên ngã ba Đồng Lộc ngày 20/7/1968, chỉ ba tháng sau đêm 09/11 giữa dòng sông Gianh huyền thoại, đã có Năm nữ Đoàn viên - năm cô gái quê tôi đã dũng cảm lao ra mặt đường làm nhiệm vụ tại một trọng điểm đầy bom nổ chậm và hy sinh oanh liệt giữa dòng sông Gianh đang dày đặc bom từ trường thủy lôi trong một chiến dịch vận tải đặc biệt khẩn cấp chi viện chiến trường. Hiện nay, theo Bộ LĐTB&XH thì giới hạn thời gian làm chính sách TBLS gần kết thúc, số phận của năm nữ Đoàn viên - học sinh dũng cảm đi làm nhiệm vụ và hy sinh cho sự nghiệp chung có nguy cơ trở thành những đứa con vô thừa nhận, mất tích trong chiến tranh và họ sẽ mãi mãi được “sống dưới đáy sông“ Gianh trong niềm cay đắng xót xa của nhân dân và người thân!
Là người chứng kiến hành động dũng cảm của những người nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì nhiệm vụ quan trọng do tổ chức giao mà giờ đây trở thành “những đứa con bị từ chối“, tôi thấy có trách nhiệm nói lên một thực tế nhức nhối đang diễn ra ngay trên quê hương tôi - Quảng Bình - nơi chiến tranh đã đi qua - vùng đất“ xe chưa qua nhà không tiếc“. Thế nào là ”diện”, thế nào là “tiêu chuẩn”, “điều kiện”...?!
Qua bài viết này, tôi muốn gửi đến những người có trách nhiệm thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình cần có trách nhiệm giải thích trả lời cho thân nhân, cho nhân dân, các cấp chính quyền và cả công luận để đảm bảo tôn trọng công khai dân chủ, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước!

Theo: Trần Đình Bá, TP Vũng Tàu.

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn