» » Truyền thuyết về thần cụt ở Làng Thọ Linh

Ngày xưa có hai vợ chồng người Cương Giáng (một xã ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vì nghèo khổ phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Họ vượt biển, rồi một ngày trời yên biển lặng vào của sông Gianh. Đang tháng ba, lặng sóng thuận gió họ chèo thuyền ngược dòng Gianh đến vùng Rào Nan rồi định cư tại bến Ván. 

Bến sông Quảng Sơn - nơi gắn với truyền thuyết
Cuộc sống trên sông nước bấp bênh cá nước chim trời không đủ ăn họ bỏ thuyền lên bờ khai khẩn ruộng đất cấy lúa. Nhờ ăn ở phúc đức, dân làng thương mến, trời phật động lòng trắc ẩn. Họ mong uớc có một đứa con để đở đần lúc về già. Sau nhiều lần cầu khấn, một đêm bà vợ ứng mộng thấy một vị thần sông hiện lên bảo rằng:
-Thấy hai vợ chồng nhà ngươi ăn ở phúc đức, vâng mệnh Long vương ta cho bà thụ thai để có đứa con giúp đở lúc tuổi già.
Sáng dậy, bà vợ thấy trong người khác lạ, biết mình đã đậu thai, khấp khởi mừng thầm. Hai vợ chồng chăm lo cho đứa bé trong bụng mong sao mẹ tròn con vuông. Nhưng, sau chín tháng mười ngày mang nặng bà lại chỉ sinh ra được một quả trứng và sau đó trứng nở ra một con rắn. Con rắn có bốn chân, miệng có râu như con rồng thường thấy ở các đình chùa. Lúc trứng nở ra, hai vợ chồng cho là điềm dữ định giết đi rồi thả trôi sông. Nhưng nghĩ lại, đây là của trời phật cho nên không nỡ làm điều thất đức. Bà vợ cho rắn ăn uống và chăm sóc như đứa con yêu. Hàng ngày, rắn ngoan hiền quấn quýt bên ông bà như một đứa con ngoan. Hàng ngày ông bà đi làm đồng, rắn bò theo ra tận ruộng. Đêm đến rắn bò lên giường, quấn tròn nằm giũa hai ông bà. Tuy không nói được, nhưng ông bà nói gì rắn cũng hiểu và làm theo. Khi vợ chồng vắng nhà, rắn ở nhà quét dọn nhà cửa tươm tất, sạch sẽ và giữ nhà không cho lũ chuột phá bồ thóc.
Một hôm người chồng vác cuốc ra đồng đắp những lỗ mội quanh bờ ruộng. Rắn bò theo, hể chỗ nào có rò rỉ là thò đuôi vào ngoáy ngoáy ra hiệu cho ông biết. Không may, trong một lần vô ý ông chắn phải đuôi nó. Rắn đau đớn quằn quại một lúc rồi bò về, lội qua sông rồi năm chết trên Đá Cha Ngai. Nhiều người đi đánh cá, đi đốn củi ngang qua thấy xác rắn vội lấy sào ẩy xuống sông nhưng hôm sau lại thấy xác rắn nằm lại chỗ cũ. Dân làng thấy lạ. Hai vợ chồng người nông dân thương xót khóc than, đêm đến bà được rắn báo mộng:
- Ta là con Thuỷ Tề ở vực Chịu Tràng (Tiên Lang) thấy hai vợ chồng nhà ngươi nghèo khó nhưng giàu lòng nhân nghĩa ta mới đầu thai mong giúp hai vợ chồng ngươi. Nhưng không may số phận không giúp được hai người, nay ta phải về âm cung, khi nhà ngươi và dân làng cần đến ta sẽ giúp.
Dân làng được hai vợ chồng báo lại lời của của con vua Thuỷ Tề bèn tổ chức chôn cất cẩn thận và lập miếu thờ dưới chân rú Cấm bên bờ sông Nan, gọi là miếu Thần Cụt. Từ đó, mỗi khi bị hạn hán dân làng Thọ Linh và cả các làng lân cận lên miếu Thần Cụt cầu đảo liền được đáp ứng. Thần Cụt còn được dân gian gọi là Hiển từ Long Vương

Nguyễn Đức Danh sưu tầm
Tham khảo tài liệu của Phan Văn Khuyến trên tạp chí VHQB.

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn