Từ bến phà Gianh, ngược sông Gianh rẽ vào nguồn Rào Nan tới bến sông thôn Đông Hà
đi bộ chừng 20 mét ta sẽ tới với lăng mộ Lãnh binh Mai Lượng.
Lãnh binh Mai Lượng (1838 -1890) |
Trong phong trào Cần Vương chống Pháp vào thế kỷ XIX, Quảng Bình là nơi có phong trào
sôi nổi và mạnh mẽ nhất, bên cạnh triều đình Hàm Nghi có các Sĩ phu Văn Thân
yêu nước, tiến hành một cuộc kháng chiến gian khổ, oanh liệt chống lại triều
đình tay sai bán nước và bọn xâm lược Pháp. Trong số những lãnh tụ xuất sắc của
phong trào Cần Vương yêu nước ở Quảng Bình như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê
Mô Khởi, Đoàn Chí Tuân... Lãnh binh Mai Lượng là một võ tướng có nhiều đóng góp
to lớn cho phong trào Cần Vương.
Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838) tại làng Thọ Linh, nay thuộc xã Quảng Sơn, huyện
Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người anh
ruột nuôi dạy và cho ăn học, ông là người có tư chất thông minh, nghị lực. Cùng
với việc học tập văn chương, ông thường xuyên luyện tập võ nghệ cùng các trai
tráng trong làng. Ông thi đỗ Cử nhân Võ năm 1865 dưới triều Tự Đức. Năm 27
tuổi, ông được triều đình sung vào quân ngũ, được phong chức Hiệp quản. Ngay từ
những ngày đầu làm quan của triều đình Huế, Hiệp quản Mai Lượng đã tỏ rõ ý thức
độc lập dân tộc. Ông thường phê phán những hành động yếu hèn, bất lực của phái
chủ hòa, muốn đầu hàng giặc. Trước sự tấn công của giặc Pháp, triều đình Huế đã
đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Với việc ký hiệp ước Pate notre
(6-6-1884), giai cấp phong kiến Việt Nan, triều đình Huế tự mình chấm dứt vai
trò, vị trí trước dân tộc. Nhiều vị quan lại và sĩ phu yêu nước hết sức phẫn
uất trước hành động đầu hàng và bán nước của triều đình, đã từ quan về quê
trong đó có Hiệp quản Mai Lượng. Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần
Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, phong trào Cần Vương dấy
lên sôi nổi, đặc biệt ở Quảng Bình. Cùng với Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô
Khởi, Đoàn Chí Tuân... Mai Lượng đã tập hợp lực lượng, chiêu mộ dân binh, nghĩa
dũng đánh giặc ở vùng hữu ngạn sông Gianh. Đội quân của lãnh binh Mai Lượng có
lúc lên đến ngàn người, được phiên chế tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ. Căn cứ
của nghĩa quân phát triển từ vùng Thượng nguồn Rào Nan đến vùng Troóc. Nghĩa
quân án ngự nhiều đường hiểm yếu bảo vệ cơ quan đầu não chỉ huy kháng chiến của
vua Hàm Nghi. Nghĩa quân kiểm soát cả một vùng từ Cao Mại qua Hóa Sơn, Cổ Liêm,
Ngọc Lâm, Minh Cầm, Khương Hà và xuống cả đồng bằng hạ lưu Sông Gianh. Căn cứ
chính của nghĩa quân đóng ở Cao Mại, được bố phòng chặt chẽ có nơi luyện tập
binh sĩ, xưởng đúc rèn vũ khí, gươm đao, ông cho quân sĩ phát nương làm rẫy có
lương thực để chiến đấu lâu dài. Nghĩa quân thường sử dụng lối đánh du kích,
khi xung trận rất dũng mãnh và mưu trí. Cuối tháng 4 năm 1887 giặc Pháp tập
trung quân càn quét vùng Troóc và tiến đánh căn cứ của Nghĩa quân Mai Lượng.
Ông đã chỉ huy Nghĩa quân dựa vào địa thế rừng núi chống trả quyết liệt gây cho
địch nhiều tổn thất. Tuy vậy quân địch quá mạnh, Nghĩa quân phải phân tán thành
toán nhỏ rút về hợp với quân của Tôn Thất Đàm ở Tuyên Hóa. Cuối năm 1887, giặc
Pháp tổ chức nhiều mũi đột kích với hỏa lực mạnh đánh vào căn cứ Nghĩa quân
nhưng chúng không thể chiếm được nơi đóng quân của ông, tuy vậy Nghĩa quân bị
tổn thất quá nhiều. Năm 1888, Nghĩa quân Nguyễn Phạm Tuân tan rã sau khi ông bị
mất, vua Hàm Nghi bị bắt (1-1-1888), Tôn Thất Thiệp bị địch giết chết, Tôn Thất
Đàm thoái chí giải tán Nghĩa quân, lên núi tự vẫn. Lê Trực thế cô giải tán Nghĩa
quân và ra hàng, Lê Mô Khởi bị bệnh nặng mà chết. Trước tình hình đó, Nghĩa
quân của Mai Lượng vẫn tiếp tục chiến đấu, để đối phó với bao nhiêu khó khăn
của phong trào, Mai Lượng một mặt cho binh lính tăng cường canh gác từ xa, mặt
khác chia thành các toán nhỏ, sử dụng lối đánh du kích để phục kích tiêu hao
lực lượng địch. Đồng thời cho người ra Hà Tỉnh tìm cách bắt liên lạc với nghĩa
quân Phan Đình Phùng để phối hợp kháng chiến.
Nhưng tiếc thay, ngày 24-3 năm Canh Dần (12-5-1890), ông đã qua đời tại căn cứ Cao
Mại sau một cơn bệnh sốt rét ác tính, Nghĩa quân đã mai táng thi thể ông ở căn
cứ Cao Mại. Ba năm sau, gia đình và nhân dân địa phương bí mật chuyển hài cốt
của ông về mai táng tại quê nhà. Sau khi lãnh binh Mai Lượng qua đời, Nghĩa
quân hoạt động thêm một thời gian nữa và tan rã. Phong trào Cần Vương chống
Pháp ở Quảng Bình chấm dứt vào giữa năm 1890.
Từ khi ra làm quan đến lúc qua đời, ông một lòng đấu tranh chống thực dân xâm
lược. Khi vua Hàm Nghi ra Quảng Bình xuống chiếu Cần Vương, ông là một trong
những Sĩ phu đầu tiên hưởng ứng phong trào và chiến đấu quên mình làm cho địch
gặp vô vàn khó khăn. Khi phong trào gần như thất bại ông vẫn không thoái chí,
vẫn động viên Nghĩa quân chiến đấu vì độc lập dân tộc. Lãnh binh Mai Lượng xứng
đáng là một Danh nhân với những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời, sự nghiệp của ông xứng đáng được tôn vinh
và ngưỡng mộ. Để ghi nhớ công ơn ông, nhà nước và gia đình đã tôn tạo lại lăng
mộ của ông ở dưới chân Núi Cấm và xây nhà bia tưởng niệm ở quê hương ông. Đây
là một trong những địa chỉ tham quan du lịch và nghiên cứu của huyện Quảng
Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.
No comments: