» » Di tích lịch sử Cổng trời

Cổng Trời nằm ở cây số 34,5km trên đường 12A, từ ngã ba Khe Ve lên Cha Lo, đèo Mụ Giạ. Cổng trời được tạo bời hai khối đá tự nhiên khổng lồ tạo nên, một bên tiếp giáp với vách núi, một bên là vực thẳm, chênh vênh giữa núi cao, rừng thẳm huyền bí như cái cổng của trời.
Di tích lịch sử Cổng trời
 Cổng trời là di tích lịch sử thời chống Mỹ cứu nước. Nơi đây từng là “tọa độ lửa” vang dội những chiến công vang dội của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trong các trận chiến đấu với máy bay Mỹ bảo đảm sức sống cho tuyến đường 12A huyền thoại. Trên đường đến cổng trời có bản Y Len. Cổng trời và Y Len gắn với một truyền thuyết của vùng Dân Hóa.
Theo truyền thuyết của tộc người Khùa tại địa phương kể lại rằng:
Ngày xưa ở đây là vùng đất bằng phẳng, làng bản sầm uất. Sông Rào Cái chảy qua thung lũng chia thành năm nhánh uốn lượn tưới tắm cho đồng ruộng của các làng bản nên quanh năm lúa ngô xanh mượt. Dân bản mở hội ăn mừng được mùa. Chúa đất Khăm Ta của tộc người Khùa đã tổ chức lễ cưới (Đăm khơi) cho con gái là nàng Y Leng. Y leng đã chuẩn bị nắn búi tóc, sửa lại váy có nhiều tua bạc lấp lánh rồi dạo ra bờ sông để đón người yêu. Bên kia sông, họ nhà trai cũng chuẩn bị chè rượu, mâm xôi, trống kèn để xuống bè sang sông. Chàng rể Thông Ma là người Mày cũng đang đóng khố (Xa lai) để sang đón người yêu. Chàng đứng bên này ngẩng đầu nhìn nàng Y Leng ở bên kia sông. Chàng Thông Ma bước lên bè để sang bờ bên kia. Bỗng chiếc bè trùng triềng, Thông Ma lỡ đà, ngã chúi. Bên kia nàng Y Leng trông sang thấy thế hoảng hốt và cũng trượt chân ngã nhào người xuống sông. Chàng Thông Ma lao theo dòng nước để cứu người yêu. Nhưng do nước chảy quá xiết nên đã cuốn nàng Y Leng. Chàng Thông Ma cứ tìm suốt ba ngày đêm vẫn không thấy.Chàng thẫn thờ đi dọc bờ sông tìm xác người vợ yêu quý trong vô vọng. Người dân bản cho rằng dưới sông có con thuồng luồng đã nuốt nàng Y Leng mất rồi. "Thôi về đi, không thể tìm thấy Y Leng đâu".
Thông Ma rất buồn rầu, chàng quyết tâm giết bằng được thuồng luồng để báo thù cho vợ mình.Từ sáng tinh mơ, Thông Ma đã thức dậy, leo lên đỉnh núi Cà Tôộc, chọn hai tảng đá lớn, chàng vào rừng rậm chặt đòn gánh rồi gánh đá để lấp hang thuồng luồng ở trên đỉnh núi Xi Phay, chàng đi hết bao nhiêu núi đồi đến khi đòn gánh cong lại như cánh cung mới về đến đầu làng. Nhưng không may đòn gánh gãy, hai hòn đá rơi xuống. Và ý định lấy đá lấp hang thuồng luồng của Thông Ma không thành. Chàng mắc bệnh và mất. Hai tảng đá do chàng làm rơi đã chụm lại thành cổng đi vào làng. Và để tưởng nhớ đến chàng trai có dũng khí và sức mạnh cũng như tình yêu chung thủy đó, dân làng Cà Tôộc đặt tên cho hai hòn đá chụm lại đó là "Cổng Trời" và tên bản có người con gái đẹp là bản Y Len.
Ngày nay Cổng Trời đã là di tích lịch sử cách mạng vừa là một thắng cảnh kỳ thú trên đường 12 anh hùng.
Người sưu tầm:Trần Thị Diệu Hồng
Theo lời kể của ông Hồ Bôn- Bản YLeng
xã Dân Hóa- Minh Hóa)

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn