» » Vụ giết chết 5 phu trầm ở Quảng trị: Phận đời ở lại

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa tuyên án tử hình Hồ Văn Công (39 tuổi), Hồ Văn Thành (40 tuổi) cùng trú Hướng Hóa, Quảng Trị vì hành vi giết hại dã man 5 người đi tìm trầm quê ở Quảng Bình. Kẻ thủ ác phải đền tội, nhưng những mẹ già, những vợ góa con côi dọc bờ sông Gianh ở hai xã Quảng Minh, Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) vẫn còn đọng lại nỗi đau. Họ chưa thể nguôi ngoai khi mất đi các trụ cột của gia đình…
Vợ phu trầm Trần Văn Trị cùng 3 đứa con côi cút.
 Côi cút giữa đời
Năm ngôi mộ của các phu trầm ở Quảng Minh, Quảng Sơn đã xanh cỏ. Cũng hơn một năm kể từ ngày họ bị sát hại dã man còn hơn cả thời trung cổ khi những kẻ thủ ác cầm dùi gỗ đập mạnh sau ót các nạn nhân trong tư thế bị trói hai tay quặt ra sau. Bà Hoàng Thị Nhung ở Quảng Minh, đã 94 tuổi tan nát cõi lòng khi con trai Nguyễn Văn Thắng và cháu ngoại Trần Văn Sáu bị sát hại giữa rừng rậm.
Bà Nhung nói trong nước mắt: “Tui tra (già) rồi chừ phải để hai cái tang. Thằng Thắng hắn nói làng nghèo, nhà nghèo đi chuyến nớ về kiếm cho mạ ít tiền đóng cái hòm để lở có chi thì lo hậu sự. Ai ngờ hắn bị người ta đập chết, tui lại lo hòm cho con. Rồi đứa cháu đi chuyến đó cũng bị đập chết. Tui cũng phải bịt tang”. Một năm qua, bà Nhung côi cút, lủi thủi ra vào hương khói cho con, rồi cặm cụi xuống cuối xóm thắp hương cho đứa cháu ngoại xấu số.
Trên thôn Cồn Chay, xã Quảng Sơn, Nguyễn Thị Hà, vợ của nạn nhân Trần Văn Trị (34 tuổi) đang vét mấy lon gạo cuối cùng cho bữa ăn mùa hạ. Hơn một năm mất chồng, nuôi 3 đứa con đang tuổi đi học, Hà ốm đi, già hơn tuổi 30, những đứa con đen nhẻm, khuôn mặt khắc khổ trần ai. Hà kể: “Nhiều lúc khó khăn không biết nương tựa ai, cứ nghĩ quẩn, chết quách. Nhưng nhìn mấy đứa con, phải gượng sống, đi hái củi trên rừng về bán, mỗi ngày kiếm được 30.000 - 60.000 đồng, đủ mua gạo, chút đồ ăn. Còn tiền học thì xin được miễn, tiền sách vở đi xin người trong làng”.
Phận đời của những người thân của 5 phu trầm bị sát hại côi cút, khó khăn. Mới một năm thôi họ đã trải qua cả bể khổ thương đau. Còn thời gian phải sống phía trước nữa, rất nghiệt ngã.

Kẻ bỏ kiếp trầm, người tiếp đạp cội
Nguyễn Văn Đào (36 tuổi), em của anh Thắng, chú của anh Sáu được phân công đi kiếm rau rừng nên thoát cảnh bị bắt cóc. Hái rau xong, Đào về lán và phát hiện có chuyện chẳng lành nên tìm đường ra khỏi rừng. Đào kể: “Nếu tui có mặt, không đi hái rau, chắc chắn cũng là nằm trong hố chôn tập thể của bọn giết người dã man rồi”.
Gặp Đào lần này, nhắc đến chuyện có tiếp tục đạp cội tìm trầm, Đào dứt khoát nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Nhà tui đây bỏ cả mạng người anh, đứa cháu. Mạ tui đã 94 tuổi rồi, tui phải ở nhà, kiếm việc phụ hồ qua ngày mà chăm mạ. Chừ đi nữa, có việc chi thì mạ tui mần răng yên lòng. Thà cực chút mà mạ con còn chộ mặt chắc, chứ người già tiễn người trẻ lần nữa thì đau lắm chú nờ”.
Đỗ Văn Hiền ở Phú Thạnh, Bến Tre nhưng kết duyên vợ mãi tận thôn Cồn Chay đã theo nhóm các phu trầm đi chuyến trầm định mệnh đó vào tháng 4-2013. Hiền cũng bị bắt, bị trói, và cũng chờ đến lượt bị các sát thủ hành quyết. Nhưng Hiền may mắn cởi được trói và chạy trốn, lang thang trong rừng nhiều ngày để tìm người cứu giúp. Sau trận đó, nhiều lúc mớ ngủ, Hiền cứ lẩm nhẩm van lạy: “Đừng giết anh em chúng tôi, xin đừng giết anh em chúng tôi”.
Chị Hòe, vợ Hiền nói: “Do quá ám ảnh mà anh Hiền ngủ mơ và van lạy mấy kẻ giết người man rợ nhiều đêm lắm. Có đêm lo quá, phải bật đèn sáng trưng mới ngủ được vì cứ tắt điện là cảnh rừng rú, tiếng dùi gỗ đập sau ót đầu nghe bụp, bụp cứ hiện ra nên anh Hiền không cách chi ngủ được”. Không chỉ ám ảnh trong giấc ngủ, nay ai nhắc đến việc đi trầm, Hiền đều lảng tránh: “Em không thể trở lại vào rừng lần nữa. Không thể đi tìm trầm lần nữa. Nghĩ đến đó là vả cả mồ hôi. Cực thì kiếm việc khác làm”.
Hoàng Văn Hà là phu trầm bị 2 kẻ thủ ác bắt cóc thả ra về lấy tiền chuộc kể: “Một năm qua với em là ác mộng. Mất ngủ triền miên vì anh em bị giết quá dã man. Nhưng chừ ai kè đi tìm trầm em cũng không đi nữa. Mất mát rứa là quá đau đớn, quá sức chịu đựng cho em và gia đình bạn trầm rồi”.
Những người tìm trầm trong cuộc trầm định mệnh đó quyết định bỏ nghiệp rừng sâu tìm trầm và chọn con đường mưu sinh khác. Nhưng những nhóm tìm trầm khác ở Quảng Minh, Quảng Sơn vẫn tìm cách làm giàu từ nghề này. Không chỉ thế, những làng trầm khác như Trúc Ly (Quảng Ninh), Gia Hưng (Bố Trạch) còn đẩy nghiệp tìm trầm đến cả Malaysia, Thái Lan, Indonesia... vì mối lợi quá lớn.
Nay kẻ thủ ác giết hại dã man 5 phu trầm đã đền tội. Nhưng phận người phía sau đó đang thật gian nan trước nghiệt ngã mưu sinh. Nhiều người mẹ mất con, vợ mất chồng. 7 đứa trẻ mồ côi bố. Và đường đến trường của chúng khi có bố vốn đã khó khăn, nay càng chông chênh vô cùng.

MINH PHONG

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn