» » Gặp những người nêu gương sáng ở Hà Sơn

Đó là những hội viên CCB thôn Hà Sơn (Quảng Sơn, Quảng Trạch). Trở về với cuộc sống đời thường, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, những CCB thôn Hà Sơn luôn phát huy vai trò gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương. 

Niềm vui của người dân thôn Hà Sơn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ công trình nước sinh hoạt do chi hội CCB đảm nhận thi công.
Cốt cách những người cựu binh
Người đầu tiên mà chúng tôi tìm gặp ở Hà Sơn là ông Trần Ngọc Trung, Chi hội trưởng CCB của thôn. Ông Trung năm nay đã 65 tuổi, năm 1968 ông  đi bộ đội, là lính pháo binh Tỉnh đội Quảng Bình đóng quân ở đèo Lý Hòa, năm 1975 sát nhập với lực lượng của Quân khu 4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau đó tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Bị bệnh nặng phục viên trở về quê, được hưởng chế độ bệnh binh, nhưng chất lính trong ông vẫn còn đậm lắm, những năm qua ông Trung và các hội viên của mình là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.
Ông Trung cho biết, hiện tại thôn Hà Sơn có 36 hội viên CCB, nhiều năm liên tục chi hội CCB được công nhận vững mạnh xuất sắc. Mừng nhất là, các cán bộ, hội viên CCB đều phát huy được phẩm chất, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ năm xưa, nêu gương sáng trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là thi đua xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay đời sống gia đình hội viên CCB thôn Hà Sơn cơ bản ổn định và khá giả, nuôi dạy con cái trưởng thành. Các hội viên CCB tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế VAC, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm được người dân mến phục của thôn Hà Sơn có ông Trần Ngọc Quỳnh, Phan Xuân Tương, Mai Văn Mầng, Nguyễn Văn Lân...
Đặc biệt, qua trao đổi với ông Chi hội trưởng CCB, chúng tôi được biết, sau khi từ quân ngũ trở về, nhiều hội viên CCB đã tham gia vào các vị trí cốt cán của các đoàn thể chính trị khác trong thôn, kể cả Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận và trưởng thôn. Hội viên CCB Trần Đình Hòa, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hà Sơn từng là người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, là thương binh 4/4.
Tháng 2 - 1976 ông cùng đơn vị ra Lạng Sơn, Cao Bằng bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1991 phục viên trở về quê hương tham gia làm cán bộ thôn. Trưởng thôn Hà Sơn Nguyễn Văn Lân cũng có 6 năm trong quân ngũ, là lính sư đoàn 341, năm 1976 ông ra quân về làm đội trưởng sản xuất rồi làm trưởng thôn từ năm 2002 cho đến nay.

Góp sức xây dựng quê hương
Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Hà Sơn Trần Đình Hòa và trưởng thôn Nguyễn Văn Lân đều khẳng định, tuy địa hình cách sông trở núi, giao thông đi lại khó khăn, nhưng nhờ chú trọng sản xuất thâm canh, nhất là ứng dụng giống lúa mới, đưa năng suất lên trên 50 tạ/ha, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi trâu bò, lợn gà... nên hiện tại đời sống của người dân Hà Sơn rất ổn định, nếu đem so với mặt bằng chung của xã Quảng Sơn. Đặc biệt, cả thôn hiện có hơn 150 ha rừng kinh tế, đàn gia súc, gia cầm trên 13.000 con.
Theo ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, để có được kết quả này, những cựu binh thôn Hà Sơn đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi họ chính là những người đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn, nhất là vai trò đầu tàu gương mẫu, xông xáo trong mọi công việc của hội viên CCB Trần Đình Hòa, Nguyễn Văn Lân, Trần Ngọc Trung, Trần Ngọc Quỳnh...
Về Hà Sơn trong những ngày này, chúng tôi còn được chứng kiến sự vui mừng của người dân khi công trình nước hợp vệ sinh trị giá gần 90 triệu đồng và 250 ngày công lao động của thôn do những hội viên CCB đảm nhận thi công, lấy nước từ khe Rách về đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ổn định. “Đất Hà Sơn là đất lụt, có năm nước lên tận nóc nhà, vậy nhưng đây lại là vùng đất khát, nước chua phèn, nhiễm mặn, người dân thiếu nước sinh hoạt rất trầm trọng, phải đi xin, đi mua vất vả trăm bề”- Trưởng thôn Nguyễn Văn Lân cho biết.
Từ thực trạng này, nắm bắt nhu cầu của người dân, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chi bộ thôn Hà Sơn đã quyết định phải làm cho được công trình nước sinh hoạt, xem đây là tiêu chí đầu tiêu phải hoàn thành. Chủ trương đưa ra, liên tiếp 3 cuộc họp dân được thôn tổ chức để bàn bạc, thống nhất cách làm, mức đóng góp và tín nhiệm giao cho chi hội CCB đảm nhận thi công.
Người dân Hà Sơn vui mừng hưởng ứng, đóng góp mỗi hộ 1,5 triệu đồng và ngày công lao động để thực hiện, đối với những hộ chưa thông, còn phân vân nghi ngại, các cán bộ thôn và hội viên CCB Trần Đình Hòa, Nguyễn Văn Lân, Trần Ngọc Trung... lại phân công nhau đi vận động, giải thích, đồng thời kêu gọi con em hỗ trợ thêm kinh phí.
“Ban đầu chỉ có khoảng 80% số hộ dân hưởng ứng, số còn lại chưa tin vào tính khả thi của công trình. Cũng không trách họ được, vì nguồn nước ở đây rất hiếm, thiếu ổn định, trước đây đã làm nhiều cách, đào giếng, khơi dòng nhưng hiệu quả thấp, vào mùa hè thường khô kiệt. Lần này chúng tôi tổ chức khảo sát kỹ lưỡng, trên địa bàn có một số mạch nguồn chảy từ núi ra, nhưng chúng tôi theo dõi chỉ có nguồn từ khe Rách chảy từ núi Hòn Nậy ra là ổn định hơn cả, hàng chục năm nay không cạn, kể cả năm nắng nóng nhất”- Chi hội trưởng CCB Trần Ngọc Trung nói.
Thực hiện chủ trương của chi bộ và sự tín nhiệm của người dân, Chi hội CCB thôn Hà Sơn đã lập dự toán, mua ống dẫn nước, vật tư và triển khai phương án, lực lượng thi công công trình. Chi hội cử hội viên Trần Ngọc Minh, Trần Ngọc Thọ phụ trách kỹ thuật, hội viên Nguyễn Văn Lân phụ trách chung. Sau 10 ngày thi công, đến 26-3-2013, nước sạch từ khe Rách đã về đến từng hộ dân thôn Hà Sơn, người dân thỏa sức sử dụng, kể cả dân thôn bên kia sông cũng xin được đấu nối nguồn nước này. Những hộ dân Hà Sơn còn nghi ngại trước đây, nay thấy nước về đã chủ động xin được đóng kinh phí tham gia.
Vượt gần 2 km từ thôn Hà Sơn lên đến lưng chừng núi Hòn Nậy, địa hình trắc trở áo đẫm mồ hôi, chúng tôi cùng các hội viên CCB Trần Đình Hòa, Nguyễn Văn Lân và Trần Ngọc Trung lên tận khe Rách, địa điểm mà chi hội CCB thôn đã xây hệ thống bể chứa, bể lọc và đặt ống dẫn nước về. Mời khách một ngụm nước mát ngọt chảy ra từ lòng núi, ông Trần Đình Hòa tâm sự: “Chúng tôi là hội viên CCB, là người lĩnh Cụ Hồ nên luôn tâm niệm sẽ cống hiến hết khả năng của mình để xây dựng quê hương”.
                                                                           Anh Tuấn
Nguồn tin: baoquangbinh.vn

Giới thiệu Unknown

Chào tất cả mọi người, Tôi là Trương Xuân Lực, sinh ra và lớn lên tại Thôn Minh Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, hiện tại tôi đang sống và làm việc xa quê. Tôi rất mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương.
«
Xem tiếp
Newer Post
»
Quay lại
Older Post

No comments:

Ý kiến của bạn