Nếu cả tỉnh Quảng Bình hứng chịu bốn trận thiên tai trong 50 ngày thì chỉ riêng Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) hứng chịu năm trận thiên tai cùng cực. Đặc biệt là trận lốc càn vào 1 giờ sáng ngày 16.10 đã làm cho toàn bộ Quảng Sơn tan hoang hơn cả bị dội bom.
Nặng nề nhất là hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn, nhà cửa không còn nơi nào yên lành, đi đâu cũng ngập trong tan tác, ngói bay la liệt. Đồng bào xin từng chai nước uống, mò lại trong nước bạc từng mớ gạo lấm bùn hòng có cái để ăn. Một cảnh tượng chưa bao giờ thấy trong trăm năm ở vùng đất này.
Kiệt quệ xóm núi
Cho đến ngày 17.10, khi một nhóm nhà báo tiếp cận được thôn đảo Hà Sơn ở Rào Nan, một nhánh thượng nguồn sông Gianh để qua với người dân nơi đây, cả xóm bỏ dỡ việc dọn dẹp trong hoang tàn để xin nước uống, mì tôm, áo quần có thể mặc được. Trưởng thôn Nguyễn Văn Lân đau xót: “Hết mấy trận lụt thì đến trận bão, sau bão thì lại lụt, hết lụt lại lốc càn mạnh chưa từng có, sau lốc thì lũ lại dâng ngập như đại hồng thủy. Cả làng chẳng còn manh chiếu mô khô để nhường chỗ cho trẻ con, chỉ biết lấy áo mưa trùm lại qua đêm trong lạnh lẽo giữa đảo, các chú ơi!”.
Bàn thờ không nguyên vẹn |
Đi đâu ở Hà Sơn cũng thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Cả làng có 79 hộ, 342 khẩu bám giữa ốc đảo. Nơi nào khô ráo được nhường cho trẻ em, người già, còn đàn ông và phụ nữ trong làng thì chạy chữa người bị thương, lên đò vượt sông đi viện, số còn lại ở giữa làng chạy lui chạy tới như con thoi để tiếp tế lương thực, thực phẩm. Nhà ai có gì thì chia sẻ cho chòm xóm để dìu nhau qua hoạn nạn. Lời trưởng thôn Lân kể trong nước bạc.
Bà Mai Thị Quy, 86 tuổi, ứa nước mắt: “Tui sống từng này tuổi, chưa có năm mô lũ dồn lũ, rồi bão rồi lũ lụt, rồi lại lốc xoáy kinh hồn bạt vía, xong thì lũ vô nước chảy như thác, cướp sạch mọi thứ, nhà cửa, ruộng vườn hơn cả bom tàn phá. Ông trời năm ni răng ác nghiệt ri không biết”.
Từ cuối làng đến đầu làng, nước bạc và lốc đã dìm làng thành bãi tan hoang, không còn bất cứ vật dụng nào có thể sử dụng. Tủ giường, chăn màn bị tống tháo ra đường, bùn lầy quấn chặt nửa mét trong nhà, những gương mặt người lầm lụi trông bùn đất, kiệt sức trong thiên tai, những người già nhiều nếp nhăn nay hằn thêm bao nỗi đau mà đời họ chưa hề chứng kiến.
Xóm làng xác xơ |
Rời Hà Sơn, chúng tôi qua Linh Cận Sơn, trưởng thôn Trần Ngọc Giới nhà bị sập một phần, mái ngói bay sạch trong lốc, ngón chân cái bị tồn chém đứt lìa, ông chỉ kịp dùng vải ướt buộc lại cùng chiếc bao bóng rồi cà nhắc đi khắp thôn thống kê thiệt hại. Ông nói trong ngấn lệ: “Làng tui có hơn 250 hộ, 1.231 khẩu, người nào cũng lấm lem bùn đất, nhà mô cũng toang hoác sau lốc, lũ ngập, chẳng còn nhà mô nguyên vẹn. Ngày xưa chiến tranh cực khổ nhưng chừ trận lốc càn ni còn khổ hơn. Ngày xưa có hầm để trốn, chừ ở giữa nhà trống, gió quật như trời sập, chẳng biết trốn vô mô”.
Quê nghèo trắng khăn tang
Lốc đi qua làng nghèo ở đây đau buồn trong khăn tang, có hai người đã chết trong cảnh sập đổ nhà cửa do lốc xoáy.
Nơi thờ tự cũng tan hoang |
Anh Phan Xuân Phú, 58 tuổi, ở trong căn nhà phía đầu làng cùng vợ dọn dẹp hậu quả của bão thì lốc ập vào. Nhà mới xây có tường giằng chắc chắn nhưng vẫn bị sập, đang lom khom dọn lại những gì đã bị mưa ướt, bất ngờ cả căn nhà đổ rầm trong gió rít, hàng loạt gạch ngói bay vào đầu, chấn thương sọ não, anh Phú bị chôn vùi trong đổ nát. Anh chết, người vợ Trần Thị Lĩnh được xóm làng bới gạch đá lên đưa đi Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (TP Đồng Hới) trong tình trạng thở ô xy, hôn mê bất tỉnh. Nhiều người nói chắc chị Lĩnh không qua khỏi vì gãy xương sườn, chấn thương não quá nặng.
Phía giữa làng, mẹ chị Lĩnh, bà Trần Thị Tý đang vật lộn với gió hú thì tường nhà đổ xuống, căn nhà tiêu tan trong gió lốc, bức tường bờ lô đè nặng khiến bà Tý gãy nhiều xương sườn, sọ não bị chấn thương nghiêm trọng, hai chân bị cột nhà chấn gãy đôi. Hàng xóm chỉ biết đào bới trong mưa gió để đưa đi Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, hiện vẫn chưa hồi phục, phải thở máy.
Thương nhất trường hợp ông Mai Xuân Sơn, 51 tuổi, ở nhà một mình, căn tường phía bếp đè chết, hàng xóm nghe kêu cứu trong đêm chạy qua nhưng không kịp, vì đầu bị đâm mạnh bởi sắt, đinh, gỗ ván, gạch ngói. Ngày đưa tang, vợ anh Phú mưu sinh xa mãi tận miền Nam. Nước lũ lên, hàng xóm đi mua hòm, khâm liệm, đưa lên đò chèo vào núi an táng nhưng đò lật, hòm trôi bồng bềnh giữa nước bạc. Phải nhờ đến các chiến sĩ bộ đội biên phòng mới “cứu” được quan tài không bị lũ cuốn. Táng xong, lũ rút, chị Phạm Thị Hiền – vợ anh Phú mới về lập ảnh thờ, mới xới được bát cơm cúng từ gạo mót trong căn nhà nát.
Phó chủ tịch xã Nguyễn Tiến Hưng cho biết toàn xã có 73 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 773 căn nhà bị tốc mái toàn bộ, có 27 người bị thương rất nặng, trong đó có khả năng ba người không qua khỏi. Xã nhà phải mất đến 20 năm mới dựng được kiên cố nơi ở, nhưng nay đã gần như trắng tay, phải làm lại từ đầu.
Bằng mọi giá phải đến với dân
Khi chúng tôi qua với Hà Sơn, đã thấy bóng dáng của những chiến sĩ biên phòng túc trực với dân làng. Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình nói: “Trong khó khăn nhất, trong mưa gió bão lốc, cán bộ chiến sĩ biên phòng đơn vị thề bằng mọi giá đến với đồng bào xã Quảng Sơn, mà cụ thể là thôn Sơn Hà và Linh Cận Sơn. Bởi ở đây thượng nguồn sông Gianh, toàn bộ nhà cửa hoàn toàn bị cày trắng trong lốc, thiệt hại không thể tưởng tượng được. Đơn vị đã điều hai ca nô túc trực đưa dân đi bệnh viện, tiếp tế lương thực, nước uống. Từ hai ngày nay, điều thêm ba xe quân sự sẵn sàng cơ động bất cứ xóm nào ở khu vực ô tô có thể đến để giúp dân. Cắt cử 30 cán bộ chiến sĩ ở lại với dân 24/24 giờ để giúp bà con dọn dẹp từng phần, từng buổi, từng ngày hậu quả bão lụt và lốc xoáy”.
Nước uống, mì tôm bắt đầu đến tay người dân |
Theo: Quốc Nam
http://motthegioi.vn
No comments: